Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại tỉnh Nghệ An
- Thứ tư - 12/10/2016 10:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong nhiều năm qua, giáo dục và đào tạo Nghệ An luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được giữ vững, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên toàn diện. Tính đến năm học 2015-2016, cấp học mầm non có 533 trường, cấp tiểu học có 543 trường, cấp trung học cơ sở có 409 trường, cấp trung học phổ thông có 89 trường, giáo dục thường xuyên có 21 trung tâm. Về giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp.
Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm học 2015 -2016, Nghệ An có 956 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 62,93%, trong đó có 131 trường mức độ 2; công tác phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề có tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ học sinh 12 đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỷ lệ 41,09%. Tính từ năm học 2011 -2012 đến năm học 2015 -2016, Nghệ An có 498 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 9 học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế và châu Á.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, nhấn mạnh: Sở coi sự phát triển ổn định là sự phát triển bền vững. Sự phát triển này không phải ngày một ngày hai, mà là sự kế thừa, phát triển của nhiều thế hệ. Thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Nghệ An đã triển khai triển khai nhiều mô hình giáo dục: trường học mới, trường học thông minh, trường học kết nối… với lộ trình và bước đi thận trọng, chắc chắn, để mô hình mới đi đúng quỹ đạo, hiệu quả. Tư tưởng chỉ đạo của Sở GD Nghệ An làm sao biến sự đổi mới này thành nhu cầu tự thân, tự nguyện của mỗi cán bộ, học sinh. Làm sao để sự đổi mới này không phải là hình thức. Đổi mới phương pháp dạy học gắn liền đổi mới chương trình sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá, thi cử.
Về góc độ quản lý giáo dục,về mặt nhà nước: Sở đã tích cực tham mưu, phân quyền phân cấp, để mỗi người đều tự ý thức trách nhiệm, quyền hạn, tự chủ, tự Tất nhiên, để làm được những điều này, Nghệ An đã huy động rất nhiều nguồn lực, đặc biệt là có cơ chế xã hội hóa giáo dục để cả xã hội cùng tham gia đóng góp vào sự phát triển của giáo dục nói chung và các em học sinh nói riêng. Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT mong Bộ có sự quan tâm đến công tác phân luồng hướng nghiệp, Đề án ngoại ngữ quốc gia, đề án trường chuyên và hệ thống trường bán trú, nội trú… của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhấn mạnh “Nghệ An là một tỉnh rộng, có tiềm lực về con người. Kinh tế xã hội đang phát triển trên các lĩnh vực, nhiều khu công nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành. Vì vậy giáo dục cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần có sự phối hợp tỉnh và ngành giáo dục, xây dưng cơ chế chính sách thu hút người tài. Một mặt khác, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp”, Cần phải có cơ chế để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học như kiểm định chất lượng, nâng cao tính tự chủ gắn liền với trách nhiệm của các trường trong đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, kiên quyết nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, trước hết là bằng các giải pháp hành chính. Hiện nay, Nghệ An quyết tâm chỉ đạo để thực hiện vấn đề này, xác định vấn đề quan trọng nhất là chất lượng đầu ra của học sinh.
Trước đây 80-90% học sinh tốt nghiệp THPT đăng kí thi vào đại học. Năm 2015, tỉ lệ này chỉ còn 60%. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác phân luồng hướng nghiệp. Mặc dù vậy, bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phân luồng, hướng nghiệp cần phải quan tâm đến công tác sau phân luồng để tận dụng nguồn lao động này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, song song với việc đào tạo, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao, với hệ thống trường day nghề, trung tâm đào tạo, Nghệ An sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm giữ chân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương. Ngoài ra, đây là sẽ là nguồn lao động cung ứng cho Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục Nghệ An đạt được, mặc dù điều kiện còn khó khăn, đặc biệt lãnh đạo tỉnh đã hết sức quan tâm đến công tác này. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, định hướng chung là ổn định để nâng cao chất lượng các bậc học; chú trọng nề nếp, kỷ cương trong giáo dục, đặc biệt tăng cường về giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, thầy cô giáo phải gương mẫu. Trong đó, bậc học mầm non và phổ thông đi theo hướng nề nếp, kỷ cương, mạnh dạn đổi mới theo thí điểm mô hình chứ không đổi mới đại trà. Đề cập đến vấn đề triển khai VNEN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đây là mô hình tốt nhưng khi áp dụng vào từng địa phương phải linh hoạt. “Sắp tới, Bộ có hướng dẫn sẽ không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN vào các trường. Sau 3 năm triển khai thí điểm có nhiều điểm sáng và nhiều cái hay thì khái quát lại, tổng kết lại và giới thiệu các địa phương tham khảo, từ đó căn cứ vào điều kiện từng địa phương để áp dụng theo mức độ khác nhau”.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với nhóm đào tạo về nghề nghiệp cần chú trọng chất lượng, đào tạo phải gắn với thị trường lao động. Mặt khác, Bộ cũng sẽ nâng cao chất lượng của trung tâm giáo dục cộng đồng làm sao thuận lợi nhất cho mọi người đều có điều kiện tiếp cận với giáo dục. Đồng thời tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết một số định hướng sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng quản lý, phân cấp về quy chế và những nội dung trọng tâm thực hiện của ngành sắp tới như: Quy hoạch, đào tạo giáo viên, kiên cố hóa cơ sở vật chất, phân luồng giáo dục, đào tạo tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tự chủ đại học; hội nhập quốc tế. Qua đó, đề nghị tỉnh bám sát và thực hiện trong năm học tới.